Saturday, May 4, 2013

SỰ TÍCH “ĐƯỜNG” CẦU VỒNG



Ở Đà Nẵng xưa có một con đường khá đặc biệt. Đó là đường… Cầu Vồng, tức đoạn đường kéo dài từ ngã tư Ngô Gia Tự, Lê Duẩn đến ngã tư Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm hiện nay. Thật ra, gọi đường Cầu Vồng là cách gọi dân dã chứ Đà Nẵng không có con đường nào mang tên đường Cầu Vồng. Danh xưng chính thức của con đường có đoạn đường Cầu Vồng thay đổi qua nhiều giai doạn trong lịch sử. Tên xưa nhất là Rue Pigneau de Béhaine, tức đường Bá Đa Lộc. Tên này do thực dân Pháp đặt. Năm 1954, chính quyền Sài Gòn đổi lại là đường Thống Nhất. Năm 1987, đường Thống Nhất được đổi tên thành đường Lê Duẩn. Còn sự xuất hiện của đoạn đường mà dân gian thường gọi là đường Cầu Vồng, xóm Cầu Vồng vì đó là đoạn đường có dốc khá cao, giống như độ dốc của cầu vượt Hòa Cầm hiện nay.


Cầu Vồng xưa, hình ảnh giờ không còn. Ảnh: Ông Văn Sinh

Và, mươi năm trở về trước, khi đoạn đường có danh xưng dân dã đường Cầu Vồng chưa bị san bằng để tiến hành thi công đường Lê Duẩn thẳng tắp, khang trang, những ai đi xe đạp đều có tâm lý… tránh đoạn đường này. Bởi, mười người như một rất ngại đạp xe lên Cầu Vồng. Lên đóc và xuống dốc đâu phải dễ. Đạp lên đã mệt nhưng khi xuống, luôn phải cẩn thận, vì độ dốc khá lớn, rất nguy hiểm. Thế nhưng, trong nhiều trường hợp bất đắc dĩ, họ cũng phải đi.

 Thật ra, địa điểm xưa gọi là Cầu Vồng hoàn toàn không có đồi, cũng không có nỗng đất cao nào cả. Đó là chỗ đất bằng phẳng. Thế rồi, khi thực dân Pháp tiến hành làm con đường xe lửa nối ga xe lửa Đà Nẵng, bấy giờ gọi là Gare de Tourane Central, và hoàn thiện hệ thống đưởng xe lửa, thì có một con đường sắt băng ngang qua đường mà Pháp đặt tên là Rue Pigneau de Béhaine, tức Bá Đa Lộc, một nhân vật rất quen thuộc trong lịch sử Việt Nam. Tại Đà Nẵng thời thuộc Pháp Rue Pigneau de Béhaine là một trong những tuyến đường quan trọng, là một trong những cửa ngõ chính vào thành phố nên luôn có nhiều người qua kẻ lại. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, thực dân Pháp cũng cho xây một cái barière để đóng lại khi có tàu lửa đi ngang qua. Thế rồi, có một lần nọ, một vị quan đầu tỉnh có công chuyện phải đi ngang qua đoạn đường có cái barière ấy. Quan đi bằng xe ô tô, bấy giờ gọi là xe đít vịt, sơn màu đen, nhỏ nhắn. Đã là xe quan thì sang trọng, ai không biết, ai không sợ. Quan mà, hét ra lửa, đâu phải chuyện chơi. Thêm vào đó, quan đi xe ô tô, phải là quan lớn, quyền hành ghê gớm lắm.

Chẳng may, khi xe ô tô chở quan lớn từ ngã ba Huế vừa đến nơi thì tàu cũng hụ còi, báo hiệu sắp đi qua. Để thực hiện nhiệm vụ của mình, nhân viên gác barière vội vàng cho đóng cổng lại, nhằm ngăn tất cả người băng qua, bảo vệ tính mạng của họ. Viên quan ngồi trong xe thấy vậy, tỏ ra hậm hực. Đường đường là quan lớn mà cái gã nhân viên gác barière quèn cũng không nể mặt cho. Ít ra, gã phải để cho quan qua đã chứ? Thế mới phải lẽ. Tàu hú còn xa, đâu phải đã sắp đến mà không nể mặt quan, cứ thản nhiên đóng cổng lại. Hỏi thử không tức sao được. Quan nghĩ vậy. Ông ta bảo thắng lính theo hầu phải nạt gã nhân viên gác cổng một hơi cho hả giận. Sau khi tàu lửa đi khỏi, thằng lính đi theo hầu theo lệnh quan, hùng hổ đi tới, trừng trừng nhìn nhân viên gác cổng, quát rằng sao thấy xe quan đi qua mà đóng cổng, bộ không sợ sao? Người gác cổng thưa lại “Tui không đóng cổng thì giờ ni quan đã chết mất rồi. Tàu lửa qua, nó có biết quan mô mà tránh. Lúc đó, ai chịu tội? Quan chớ vua qua tui cũng đóng”. Lý lẽ nhân viên gác cổng nghe qua thật có lý. Ông bà thường nói “Nói thật cục đất cũng nghe”. Thằng lình hầu lúc ấy cứng họng, ngẫn tò te, không biết nói sao. Hắn đành quay lại, bẩm sự tình với quan.


Một vị quan xưa. Ảnh tư liệu

Viên quan nghe qua, im, không nói gì. Nhưng thời gian sau, quan “sức”[1] dân các xã Hải Châu, Thạch Thang, Thạc Gián và Tân Chính gánh đất đổ cao lên, làm Cầu Vồng. Thực chất, đây là một chiếc cầu tránh xe lửa. Quan nghĩ, khi cầu hoàn thành, xe lửa chạy mặc xe lửa, người ta vẫn đi được. Cầu tránh xe lửa mà! Tiện lợi đôi đường. Không những tiện cho quan khi đi công vụ mà người dân cũng được hưởng lợi. Dù gì, đây cũng là công trình công ích. Bấy giờ, không khí lao động thi công đoạn đượng có danh xưng là Cầu Vồng nhiều khi rất náo nhiệt. Hầu như tất cả đều làm bằng tay nên đòi hỏi sức lực ghê gớm. Thôi thì đầu này kẻ gánh, đầu kia kẻ xúc. Trưa, cát bụi bay mù mịt. Tuy gọi là “sức” cho dân nhưng khi thi công, quan cũng xuất công quỹ. Mỗi người khi làm đoạn đường nói trên được hưởng một ít tiền công. Thế cho nên, trong dân gian mới có câu hát vui rằng “Đẩy ông Lô/ Ngày năm bảy giác/ Cũng vô bánh bèo”. Số là, thi công đường hồi đó chưa có xe lăn, xe đầm. Người ta phải sử dụng gốc tre gốc, đục lỗ, chế tạo ra cái đầm bằng tay, gọi là ông lô. Đẩy ông lô tức đẩy cái đầm qua lại để nén đất cho thật chặt. Tương truyền người ta đầm cả mấy tháng trời. Tất cả đều bằng sức người là chính. Công việc nặng nhọc, vất vả, người dân máu đói bụng. Cho nên, với mấy giác bạc tiền công, chỉ đủ cho họ ăn… bánh bèo đỡ đói, chẳng nhằm nhò gì![2] 

Và, trong một lần lang thang trên internet, tôi bắt gặp một đoạn văn của một người từng sống ở Đà Nẵng vào những năm 1950 - 1960 hồi tưởng về đoạn đường này như sau 


"Ba tôi đã thuê một căn nhà nằm trên đường Thống Nhất. Con đường này trước năm 1950 mang tên một vị giáo sĩ người pháp, Linh mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc). Theo lịch sử, ông là người từng thay chúa Nguyễn Ánh ký hiệp ước Versailles năm 1779 với triều đình Louis XVI. Con đường rất rộng, có thể lên đến chín, mười thước. Mặt đường nhựa bóng đen và bằng phẳng. Nhà chúng tôi thuê ở gần một cái dốc cao, được gọi là dốc Cầu Vồng.

          Một bên chân dốc, đường Thống Nhất đổ xuống gặp con đường Edouard de L’Horlet, tạo thành một ngã tư. Tại ngã tư này có một cái giếng gạch bị bể miệng, nên được gọi là Giếng Bể.  Giếng Bể nằm bên trái đường Edouard de L’Horlet, hướng ra bãi biển. Nếu kể từ ngã tư này lên đỉnh dốc, nhà chúng tôi ở vào vị trị một phần ba đoạn dốc, về phía bên phải. (Đường Edouard de L’Horlet được đổi thành đường Khải Định vào năm 1954. Và sau 1975, tên Khải Định bị xóa, con đường mang cùng tên với đoạn nối dài: Ông Ích Khiêm)
          Ở chân dốc bên kia, đường Thống Nhất chạy song song với thành rào sân vận động Chi Lăng nằm bên phải, rồi gặp đường Yersin, tạo thêm một ngã tư. Bắt đầu từ ngã tư này, chạy xuống bờ sông, hai bên đường Thống Nhất có những cây kiềng kiềng rất cao lớn, được trồng cách khoảng đều nhau, đem lại cho con đường nhiều bóng mát. Một địa điểm cũng nên biết, cách ngã tư này không xa, nằm phía bên phải con đường, là một căn nhà rộng mái tôn. Đây có lẽ là cái bordel lớn nhất của thành phố Tourane. Người-đẹp-thanh-lâu ở đây có thể lên đến cả trăm không chừng. Bởi nhiều lúc, tôi thấy có hàng năm, bảy chiếc GMC đổ lính Pháp xuống đây. Minh hoạt lại cảnh xưa của dốc Cầu Vồng sẽ thiếu sót, nếu quên nhắc đến con đường sắt chạy xuyên qua đỉnh dốc. Con đường sắt này thời tôi ở gần, có xảy ra một vụ tàu hỏa cán người thật bi thảm. Đó là một người đàn ông đi tìm cái chết vì tình yêu. Tôi không dám chạy đến xem, nhưng nghe nói trái tim người si tình ấy, khi chết, rớt nằm trên tà vẹt vẫn không ngớt co bóp"

Dĩ nhiên, những kỷ niệm và hồi ức về Cầu Vồng không chỉ dừng lại ở đó...






[1] 飭: Sức, tức mệnh lệnh của quan truyền xuống cho dân biết gọi là sức.
[2] Ông Trần Khai, sinh năm 1927, làng Tân Trà, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, kể.

1 comment:

Trần Đức said...

Năm nay đã là 2020, tôi vô tình tìm đọc được blog về "Cầu Vồng" và đoạn đường sắt ở khu vực này do tác giả đăng tải vào năm 2013. May duyên đây cũng là chủ đề tôi đang tìm hiểu và muốn sưu tầm thêm thông tin, nhất là thông tin về đoạn đường sắt ở đây để phục vụ cho một số nghiên cứu liên quan. Rất mong nhận được sự hỗ trợ đến từ phía tác giả blog, xin chần thành cảm ơn.
Chỉ biết liên hệ với tác quả thông qua việc gửi mail như thế này vì không còn thấy thông tin gì khác của tác giả ở trên blog. Rất mong sẽ nhận được hồi âm của tác giả. Đây là thông tin liên lạc của tôi: tranduc11597@gmail.com số điện thoại: 0981 859 821
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn.